Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang "gửi gắm" 8 chữ cho Thái Bình thực hiện thành công Quy hoạch tỉnh
(Theo Dân Việt). Phát biểu tại Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Bình được tổ chức tại Khách sạn Dầu khí Thái Bình, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang mong các đơn vị liên quan "Tuân thủ, linh hoạt, đồng bộ, thấu hiểu".
8 chữ Phó Thủ tướng Chính phủ "gửi gắm" cho tỉnh Thái Bình Như Dân Việt đã đưa tin, sáng ngày 5-3-2024 tại Thái Bình, UBND tỉnh Thái Bình đã tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Bình. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các địa phương Vùng đồng bằng sông Hồng tham dự hội nghị.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chúc mừng những kết quả mà tỉnh Thái Bình đã đạt được trong thời gian qua. Phó Thủ tướng Chính phủ đánh giá, cùng với các tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, tiếp cận đất đai dễ dàng, Thái Bình đã phát triển đúng hướng khi phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp.
Phó Thủ tướng, tham quan gian hàng thương mại trưng bày tại Khách sạn Dầu khí Thái Bình. (Ảnh Phạm Hùng)
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, theo số liệu thống kê, trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đạt trên 9,8 tỷ USD, tăng 50,3% so với cùng kỳ năm ngoái và cũng theo Phó Thủ tướng, chắc chắn ngành nông nghiệp của Thái Bình đã đóng góp rất lớn trong con số này.
Với nông nghiệp Thái Bình, vị lãnh đạo Chính phủ nhận định, Thái Bình có truyền thống làm nông nghiệp từ lâu đời và ở Thái Bình đối với xây dựng nông thôn mới được xem là một địa phương xây dựng nông thôn mới đầu tư bài bản nhất, nghiêm túc nhất. Những điều kiện này là điều kiện cơ bản để nông nghiệp Thái Bình tiếp tục tăng trưởng.
Với các điều kiện như lực lượng lao động; được sự quan tâm của nhiều thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự đoàn kết, nhất trí, thống nhất trong tập thể lãnh đạo của Thái Bình,… Phó Thủ tướng Chính phủ tin tưởng tỉnh Thái Bình sẽ có sự bứt phá trong thời gian tới.
Bên cạnh những thuận lợi, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng chỉ ra một số khó khăn với tỉnh Thái Bình. Đó là phải cạnh tranh với "những ông hàng xóm rất mạnh" như Hải Phòng, Quảng Ninh, đặc biệt là trong thu hút FDI; cơ sở hạ tầng chưa kịp theo được sự mong muốn.
Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đồng tình với 3 đột phá, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 4 trụ cột phát triển mà Thái Bình đã thể hiện trong quy hoạch.
Về quy hoạch, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, ông mong muốn chia sẻ với Thái Bình 8 chữ.
2 chữ đầu tiên là "Tuân thủ". Theo Phó Thủ tướng, giá trị lớn lao nhất của quy hoạch là định hướng và giải pháp để thực hiện cho đúng định hướng đó, về nguyên tắc phải tuân thủ.
2 chữ thứ hai là "Linh hoạt", tức là linh hoạt trong tổ chức thực hiện. Trong những trường hợp cá biệt cụ thể có khi điều chỉnh mục tiêu.
Bí thư Tỉnh uỷ Thái Bình yêu cầu nghiên cứu, đánh giá mức độ thiết yếu, xác định thứ tự ưu tiên đầu tư các công trình, dự án quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo đúng định hướng Quy hoạch. Ảnh: T.Đạt
2 chứ thứ ba là "Đồng bộ". Phó Thủ tướng nhận định, quy hoạch phải đồng bộ với rất nhiều thứ, đặc biệt với hệ thống quy hoạch ở cấp dưới, những kế hoạch, đường hướng, thậm chí cả những chỉ tiêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng của tỉnh, bởi nếu chông chênh là không đủ điều kiện pháp lý để thực hiện.
2 chữ cuối cùng mà Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang gửi gắm tới tỉnh Thái Bình là "Thấu hiểu". Theo đó, các đơn vị liên quan phải thấu hiểu quy hoạch để tuân thủ, để đồng bộ, để linh hoạt, để làm. Với người dân cũng phải thấu hiểu để có sự đồng hành, có sự chia sẻ.
"Lấy chính quyền số làm động lực để phát triển kinh tế số, xã hội số, tạo đột phá"
Phát biểu tại hội nghị, ông Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình cảm ơn sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức kinh tế; đồng thời, biểu dương sự nỗ lực của UBND tỉnh và các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Quy hoạch tỉnh.
Người đứng đầu Tỉnh uỷ Thái Bình nhấn mạnh, đây là căn cứ pháp lý quan trọng, là "kim chỉ nam" và là "tuyên ngôn" về khát vọng vươn lên và định hướng phát triển của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trước mắt và lâu dài trong nội dung Quy hoạch, đưa định hướng, tầm nhìn chiến lược và khát vọng phát triển của tỉnh Thái Bình trở thành hiện thực, Bí thư Tỉnh uỷ Thái Bình đề nghị các cấp, các ngành, các cơ quan đơn vị trong tỉnh tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung cốt lõi của Quy hoạch tới các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân; cung cấp kịp thời những thông tin về Quy hoạch tỉnh.
Đồng thời giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế, các dự án ưu tiên của tỉnh để các nhà đầu tư, doanh nghiệp và nhân dân tìm hiểu, nắm bắt tư duy, tầm nhìn, không gian phát triển mới của tỉnh; thông qua đó thúc đẩy thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh…
Tiếp tục đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số, lấy chính quyền số làm động lực để phát triển kinh tế số, xã hội số, tạo đột phá trong cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…
Tại hội nghị hôm nay, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã trao Quyết định số 1735/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho tỉnh Thái Bình.
Các lãnh đạo tỉnh Thái Bình cũng trao Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho 9 nhà đầu tư với tổng vốn đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng.
Cũng nằm trong chuỗi các hoạt động công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Bình, sáng 5/3, tại Khu Công nghiệp Liên Hà Thái, huyện Thái Thụy đã diễn ra lễ khởi công nhà máy sản xuất kính áp tròng của Công ty TNHH Pegavision Coporation Việt Nam.
(Theo Dân Việt)