Công đoàn VIETSOVPETRO tổ chức về nguồn giáo dục truyền thống lịch sử tại Thái Bình
Được sự tin tưởng và lựa chọn của Công đoàn VIETSOVPETRO, Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Dầu khí Thái Bình - Khách sạn Dầu khí Thái Bình đã tổ chức "Hành trình về nguồn giáo dục truyền thống lịch sử tại Thái Bình và hoạt động Team Building tại Hải Phòng" cho cán bộ Lãnh đạo của Công đoàn VIETSOVPETRO.
Chương trình được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập công đoàn Việt Nam (28/7/1929 – 28/7/2024) và chào mừng kỷ niệm 42 năm Ngày thành lập công đoàn VIETSOVPETRO (10/8/1982 – 10/8/2024).
Trong khuôn khổ chương trình này, hôm nay ngày 16/8/2024, đoàn công tác đã đến thăm, dâng hương tưởng niệm lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh (tại thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình), tham quan Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 (tại xã Mỹ Lộc, Thái Thuỵ, Thái Bình) và giếng khoan 61 - Tiền Hải (tại xã Đông Cơ, Tiền Hải, Thái Bình) - nơi phát hiện dòng khí đầu tiên, khai sinh ra ngành Dầu khí Việt Nam.
Việc tổ chức thành công, bài bản Hành trình về nguồn tại Thái Bình và hoạt động Team Building ở Hải Phòng đã khẳng định được năng lực của PVC-Thái Bình - Khách sạn Dầu khí Thái Bình đối với mảng hoạt động dịch vụ lữ hành, tổ chức Tour du lịch và hoạt động Team Building.
Tham gia hành trình về nguồn có đồng chí Hoàng Phúc Long, Chủ tịch Công đoàn VIETSOVPETRO; các đồng chí nguyên Chủ tịch Công đoàn VIETSOVPETRO qua các thời kỳ và các CBCNV tiêu biểu đại diện các đơn vị trong VIETSOVPETRO
Dâng hương tưởng niệm lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh
Sau lễ dâng hương, thăm khu mộ đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, đoàn đã được cán bộ Ban Quản lý Khu lưu niệm giới thiệu về thân thế, sự nghiệp và các tư liệu lịch sử về những năm hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Đoàn được tận mắt chứng kiến khung cảnh nếp nhà xưa dựng lại trên nền đất cũ, đọc những tư liệu lịch sử nói về thân thế sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh.
Công đoàn VIETSOVPETRO chụp ảnh lưu niệm tại Khu tưởng niệm Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh
Đến thăm khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, đoàn đã được nghe giới thiệu và được biết thêm về quê hương Diêm Điền, tìm hiểu nhiều hơn về người chiến sỹ cách mạng lỗi lạc, nhà lý luận với những tác phẩm báo chí đầy tính chiến đấu. Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh mãi mãi là tấm gương sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng để lại cho mỗi thế hệ chúng ta hôm nay và mai sau.
Điểm đến tiếp theo, đoàn công tác đã đến tham quan Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 tại xã Thái Đô, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình. NMNĐ Thái Bình 2 được xây dựng tại xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy có quy mô 131,74ha, tổng mức đầu tư 41.799 tỷ đồng. Nhà máy sử dụng công nghệ nhiệt điện ngưng hơi, lò than phun đốt trực tiếp, tuần hoàn tự nhiên với thông số cận tới hạn và các chỉ tiêu cao về hiệu suất, độ ổn định, an toàn, tuân thủ tuyệt đối các điều kiện phát thải theo tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế. Đây là NMNĐ được các chuyên gia đánh giá thân thiện, bảo vệ môi trường với các công nghệ giảm phát thải NOx, lọc bụi, khử SOx, xử lý nước thải hiện đại. NMNĐ Thái Bình 2 được Chính phủ giao cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư. Dự án do Tổng công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PetroCons) là tổng thầu EPC; liên danh nhà thầu Sojitz (Nhật Bản) - Dealim (Hàn Quốc) là nhà thầu cung cấp thiết bị chính. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam điều hành, quản lý dự án, đồng thời phối hợp với kênh phân phối, vận hành của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và sử dụng nguyên liệu than của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam để sản xuất. Chính vì vậy, có thể nói NMNĐ Thái Bình 2 là công trình điểm của ngành năng lượng với sự tổng hòa của 3 tập đoàn năng lượng lớn nhất nước. Với 2 tổ máy, tổng công suất phát điện 1.200MW, NMNĐ Thái Bình 2 có quy mô công suất lớn nhất khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Nhà máy cung cấp trên 7,2 tỷ kWh điện/năm, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia cũng như góp phần phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Thái Bình nói riêng, khu vực đồng bằng Bắc Bộ nói chung. Đây là dự án nguồn điện cấp bách thuộc quy hoạch điện VII điều chỉnh và sắp tới là quy hoạch điện VIII
Cùng ngày, Đoàn VIETSOVPETRO đã tới tham quan Khu lưu niệm Công trình khai thác dầu khí đầu tiên tại Việt Nam; thăm giếng khai thác khí 61 nằm trong khuôn viên Công ty Dầu khí Sông Hồng (PVEP Sông Hồng) tại Tiền Hải, Thái Bình. Đây là giếng khí đầu tiên do những kỹ sư người Việt tự khai thác mà người dầu khí đặt cho tên gọi khá đặc biệt là Giếng Tổ. Vào ngày 12/7/1969 tại làng Khuốc, xã Nguyên Xá (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình), mũi khoan đầu tiên đã được mở lỗ với mục đích tìm kiếm, thăm dò dầu khí. Liên tiếp 6 năm sau đấy là giai đoạn chuẩn bị cấu tạo để khoan sâu tìm kiếm dầu khí. Trong giai đoạn này, Đoàn địa chất 36, sau này đổi tên là Công ty Dầu khí 1 đã tiến hành khoan 8 giếng trên 4 cấu tạo. Trong đó có giếng 61 là giếng khoan đầu tiên trên cấu tạo mỏ Tiền Hải C (tháng 12/1975), tại đây đã phát hiện ra vỉa khí có giá trị công nghiệp đầu tiên ở độ sâu 1.156m và phát hiện ra dầu ở giếng khoan 63. Đây là thời điểm được đánh giá là bước ngoặt lịch sử trong ngành Dầu khí Việt Nam khi chính thức phát hiện ra khí tự nhiên và dầu mỏ dưới lòng đất.
Giới thiệu cho đoàn về việc giếng khoan 61 được coi là Giếng Tổ của ngành Dầu khí, cán bộ PVEP Sông Hồng cho biết: “Thứ nhất, đây là giếng khoan thăm dò đầu tiên phát hiện khí tự nhiên tại cấu tạo Tiền Hải C, trong trầm tích Mioxen, hệ tầng Tiên Hưng với lưu lượng hơn 100 nghìn m3 khí/ngày đêm. Thứ hai, đây cũng là giếng khoan được chính các cán bộ, kỹ sư người Việt Nam tiến hành từ thiết kế đến xây dựng đưa vào khai thác công nghiệp vào ngày 19/4/1981. Dòng khí đầu tiên từ Thái Bình đã được đưa vào buồng đốt chạy turbine 2 tổ máy phát điện công suất 17MW, góp phần giải tỏa cơn khát năng lượng vào đúng thời điểm khó khăn nhất của đất nước”
Sự kiện này là mốc son quan trọng đánh dấu lần đầu tiên ngành Dầu khí Việt Nam khai thác được sản phẩm khí công nghiệp phục vụ cho nền kinh tế quốc dân, khẳng định khả năng làm chủ khoa học kỹ thuật trong công nghiệp dầu khí của tập thể lao động ngành Dầu khí trong giai đoạn đất nước còn nhiều khó khăn sau chiến tranh, mở ra những triển vọng to lớn trên hành trình tìm kiếm, khai thác nguồn tài nguyên làm giàu cho đất nước, đồng thời tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam.
Cũng từ công trình này, lớp lớp các thế hệ lãnh đạo, chuyên gia đầu ngành của ngành Dầu khí Việt Nam đã được đào tạo, trưởng thành, trở thành những cán bộ, lãnh đạo xuất sắc của ngành Dầu khí, góp phần dựng xây và phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam như ngày hôm nay.